SỰ HÌNH THÀNH TÔN GIÁO BÀNI

SỰ HÌNH THÀNH TÔN GIÁO BÀNI

Sri Samri, 2019

Dẫn luận

- Thực trạng nghiên cứu tôn giáo Bàni

Hiện nay có nhiều nhận định sai lầm về tôn giáo Bàni. Để giải quyết tình trạng này thì tôi cần đính chính lại.

Để có cái nhìn khách quan về tôn giáo Chăm thì mọi người đọc trong sách "Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử" của PB. Lafont. Tuy nhiên ông viết quá ít và thiếu nhiều thông tin quan trọng về thực địa nên người đọc không hình dung được.

Để xác định một tôn giáo bất kì thì ta phải nghiên cứu cả ba khía cạnh: 1- niềm tin, 2- cách thực hành (nghi lễ, nghi thức, giáo luật) và 3- tổ chức cộng đồng. PB. Lafont chỉ nghiên cứu tôn giáo dựa trên tư liệu lịch sử, ông chỉ dừng lại ở niềm tin và nghi lễ nhưng ngay cả nghi lễ quan trọng của Chăm Bà La Môn hiện nay là tục hỏa táng, ông cũng bỏ qua. PB. Lafont là nhà nghiên cứu lịch sử giỏi nhưng ông không phải là nhà nghiên cứu tôn giáo giỏi.

Bài viết của tôi về Bàni kế thừa các quan điểm của PB. Lafont và bổ sung những thiếu sót của ông. Phương pháp nghiên cứu của tôi dựa vào ngành nhân học (anthropology).

- Về thuật ngữ tôn giáo/ tín ngưỡng sử dụng trong bài viết này

Thực ra, tôn giáo (religion) và tín ngưỡng chỉ là một khái niệm, được định nghĩa là “niềm tin vào các thực thể tinh thần” (E.B. Tylor). Quan điểm trong cơ quan hành chính của Việt Nam cho rằng tôn giáo là loại hình có tổ chức cao và giáo lý chặt chẽ hơn tín ngưỡng. Đây là quan điểm tiến hóa luận. Lập luận này bị phản bác trong ngành nhân học vì bạn không thể xếp hạng đức tin và tổ chức cộng đồng của người ta theo cấp bậc cao thấp.

Hiện nay tôn giáo chỉ được công nhận là “tôn giáo” trên văn bản hành chính Việt Nam khi được cơ quan hành chính thừa nhận là “tôn giáo”, nếu nó không được công nhận là “tôn giáo” thì được gọi là “tín ngưỡng”. Với cách hiểu này thì để tránh nhầm lẫn tôi vẫn sử dụng tên gọi “tín ngưỡng bản địa Chăm” thay vì gọi “tôn giáo bản địa Chăm”.

I- TỔNG QUAN

Khi tiếp nhận Islam, người Chăm tự xưng "Bani", từ có nguồn gốc Ả Rập là  بن  Bani được phiên âm sang tiếng Việt là Bàni, nghĩa là "những đứa con trai của... ". Danh xưng Bàni xuất hiện trong điều kiện cộng đồng này không phải là Islam. Ta tạm gọi cộng đồng này là Islam sơ khai, tức là cộng đồng chịu ảnh hưởng Islam nhưng chưa thành Islam.

Bàni là tôn giáo Islam sơ khai được cải tổ theo mô hình Bà La Môn để hòa giải xung đột tôn giáo trong xã hội Chăm theo triết lý lưỡng hợp.

Khi Bà La Môn du nhập vào Champa thì chỉ có tầng lớp quý tộc mới theo tôn giáo này, đại bộ phận còn lại vẫn theo tín ngưỡng bản địa. Mặc dù vậy, tầng lớp bình dân vẫn chịu sự chi phối qua các nghi lễ Bà La Môn từ tầng lớp quý tộc như tục thờ tháp, hoả táng... Đặc biệt là cơ cấu tổ chức xã hội theo tầng lớp tu sĩ của Bà La Môn tồn tại bên cạnh thầy cúng của tín ngưỡng bản địa. Hiển nhiên là cũng có bộ phận không chịu ảnh hưởng từ Bà La Môn do họ sống biệt lập ở rừng núi như palei Li-u ( làng Phước Lập)...

Chăm đã tiếp nhận Islam nhưng vẫn tiếp tục duy trì tín ngưỡng bản địa và kế thừa một số yếu tố chịu ảnh hưởng từ Bà La Môn như tục thờ tháp,... Tín ngưỡng bản địa Chăm thờ các vị thần được gọi chung là yang. Trong cộng đồng này chỉ có tầng lớp giáo sĩ mới tuân thủ đúng theo luật Islam, đại bộ phận các tín đồ còn lại mặc dù thờ Allah nhưng vẫn tiếp tục thờ yang.

Vì người Chăm không bao giờ từ bỏ tín ngưỡng bản địa truyền thống của mình nên Champa chưa hình thành nên một cộng đồng Islam chính thống mà chỉ hình thành nên cộng đồng Islam sơ khai.

Islam là tôn giáo độc thần, chỉ thờ duy nhất Allah; cộng đồng Islam sơ khai này vừa thờ Allah vừa thờ yang nên không thể được xem là Islam.

Tín ngưỡng bản địa cùng tồn tại độc lập và song song với các yếu tố Islam. Thầy cúng chi phối tín ngưỡng bản địa. Các giáo sĩ chi phối các yếu tố Islam. Thầy cúng và giáo sĩ tồn tại độc lập với nhau.

Vào khoảng thế kỷ 16 - 17, cộng đồng Islam sơ khai ở Champa đã được cải tổ. Các giáo sĩ Islam được tổ chức theo mô hình tu sĩ của Bà La Môn.

Năm 1960, một bộ phận người Bàni ở Ninh Thuận đã cải đạo vào Islam, cộng đồng Islam chính thống chính thức được hình thành trên lãnh thổ Champa trước đây.

II- NỀN TẢNG ISLAM SƠ KHAI

Ban đầu Islam chỉ được truyền bá ở tầng lớp quan lại triều đình, tầng lớp thượng lưu đang theo Bà La Môn nhưng vì tín ngưỡng bản địa vẫn còn tồn tại phổ biến cho đến ngày nay nên tôi giả định rằng tầng lớp thượng lưu này đã truyền bá cho phần lớn tầng lớp bình dân đang theo tín ngưỡng bản địa.

- Tín ngưỡng bản địa

Tín ngưỡng bản địa Chăm cũng tương tự tín ngưỡng bản địa của các dân tộc Đông Dương. Đó là tổ hợp tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng vật tổ (tôtem giáo), shaman giáo...

Hiện nay tín ngưỡng bản địa Chăm vẫn còn tồn tại phổ biến. Tín ngưỡng bản địa Chăm nằm dưới sự quản lý của thầy cúng. Thầy cúng là người đàn ông lớn tuổi, khoảng từ 60 tuổi trở lên. Tầng lớp này tương tự thầy cúng và già làng của các dân tộc Tây Nguyên hiện nay. Trong cộng đồng Bàni hiện nay, thầy cúng vừa thờ Allah vừa thờ yang tương tự các tín đồ thông thường khác.

Người Bàni mang lễ vật vào thánh đường (sang magik) do ảnh hưởng từ các nghi lễ tín ngưỡng bản địa. Đây là sự khác biệt căn bản so với Islam vì người Muslim (tín đồ Islam) không mang lễ vật vào thánh đường.

- Các yếu tố có nguồn gốc Islam

Để hiểu về cộng đồng Islam sơ khai trước đây ở Champa thì ta phải xem xét tầng lớp tu sĩ Bàni hiện nay.

Bani là danh xưng của tầng lớp giáo sĩ Islam tại Champa khi người Chăm tiếp nhận Islam. Theo giả định của tôi, danh xưng này rất có thể hàm ý rằng tầng lớp giáo sĩ tự nhận là "những đứa con trai của Abraham". Abraham là người Do Thái. Ông là người đầu tiên có tư tưởng thờ độc thần. Cả tín đồ Do Thái giáo và Islam đều tự nhận là con cháu của Abraham.

Tu sĩ Bàni hiện nay có tiền thân là giáo sĩ Islam. Tu sĩ là người đàn ông trưởng thành nhưng không cần thiết phải lớn tuổi như thầy cúng. Cũng tương tự Bà La Môn giáo (Brahmanism), Brahman là tên gọi của một đẳng cấp tăng lữ trong xã hội Ấn Độ được dùng để đặt tên cho tôn giáo. Bani là tên gọi tầng lớp giáo sĩ cũng được dùng để gọi tên cho tôn giáo.

Tầng lớp chi phối các yếu tố Islam là các tu sĩ. Thánh đường do tu sĩ quản lý, thánh đường chỉ thờ duy nhất Allah. Các nghi lễ cúng yang không được thực hiện ở thánh đường. Tu sĩ chỉ thờ duy nhất Allah, không uống rượu, chỉ ăn thịt những con vật do các tu sĩ giết theo nghi thức của tu sĩ.

Đối với các tín đồ thông thường thì Allah không phải là thượng đế duy nhất vì họ còn thờ các vị thần bản địa nhưng đối với tu sĩ Bàni thì Allah là Thượng đế duy nhất. Nhận định của P.B. Lafont trong Vương quốc Champa: Địa dư, dân cư và lịch sử là khập khiễng khi ông cho rằng Allah trong đức tin của Bàni không phải là Thượng đế duy nhất mà chỉ là vị thần đứng hàng đầu trong danh sách các vị thần. Nhận định của ông có thể bị hiểu chệch do "quơ đũa cả nắm".

Đức tin của giáo sĩ Islam vẫn còn thể hiện rõ trong trang phục tu sĩ Bàni hiện nay. Đó là khăn có sợi màu đỏ thả xuống qua khuôn mặt, được gọi là hatai nabi, nghĩa là trái tim của các thiên sứ. Màu đỏ tượng trưng cho máu của các thiên sứ. Trang phục này thể hiện lòng trung thành; các tu sĩ ngày nay luôn phải “sa hatai saong nabi” nghĩa là “một lòng trung thành với các thiên sứ”.

Qur'an là thiên kinh có nguồn gốc Islam được tu sĩ Bàni lưu giữ đến ngày nay. Người Bàni đọc Qur'an theo giọng địa phương của mình. Qur’an có hiện tượng “tam sao thất bản”, các tu sĩ đang đính chính lại.

Tuy nhiên do đặc thù địa phương, cộng đồng Islam sơ khai này chỉ có giáo sĩ mới tuân thủ đúng theo luật Islam; bằng chứng thuyết phục cho nhận định này là cho đến nay tục thờ yang vẫn tồn tại phổ biến ở cộng đồng Bàni và tầng lớp thầy cúng vẫn tồn tại đến ngày nay. Để trở thành cộng đồng Islam thì cả cộng đồng đó phải thực hiện đúng theo luật Islam, phải thờ duy nhất Allah, phải bỏ tục thờ yang và phải giải thể tầng lớp thầy cúng. Cộng đồng Islam sơ khai ở Champa mặc dù thờ Allah nhưng vẫn tiếp tục thờ yang.

III- CẢI TỔ THEO MÔ HÌNH BÀ LA MÔN

Ảnh hưởng rõ rệt nhất của Bà La Môn ở Bàni là mô hình tổ chức của nó. Các tu sĩ Bàni được gọi là Acar, gốc từ Phạn ngữ là Acarya. Người đứng đầu Acar là Gru, gốc từ Phạn ngữ là Guru. Sự xuất hiện tầng lớp tu sĩ trong cộng đồng Bàni là điểm mốc đánh dấu cho sự hình thành một nền độc lập của Bàni so với Islam.

Đối với Islam, các tín đồ đều có quyền cầu nguyện với tư cách như nhau nhưng ở Bàni thì có sự phân bậc cao thấp về tư cách thực hiện nghi thức. Đó là sự phân bậc tu sĩ - giáo dân. Islam không có tu sĩ. Các nghi lễ chôn cất người chết do tu sĩ thực hiện. Khi cầu nguyện, các tu sĩ sẽ thay mặt các tín đồ cầu nguyện cho toàn thể dân chúng, trong khi các tín đồ thông thường chỉ cầu nguyện cho bản thân họ. Khi nhịn chay trong tháng Ramawan cũng vậy, tu sĩ sẽ nhịn chay trong khi các tín đồ thông thường khác vẫn ăn uống bình thường; điều này khác biệt với Islam, đối với Islam tất cả các tín đồ đều phải nhịn chay như nhau.

Theo cơ cấu tổ chức của Bà La Môn, tu sĩ là người chuyên tu hành theo niềm tin tôn giáo của họ. Tu sĩ Bàni cũng vậy, họ đảm nhiệm việc thờ phụng Allah.

Kể từ năm 1471 thành Đồ Bàn thất thủ, tầng lớp quý tộc Bà La Môn bị tiêu diệt khiến ảnh hưởng của tôn giáo này suy yếu dần. Tuy nhiên dù niềm tin Bà La Môn suy yếu thì cộng đồng Ahiér (tạm gọi là Bà La Môn) vẫn còn giữ được cơ cấu tổ chức theo tu sĩ. Cơ cấu này đã được áp dụng vào Bàni. Một yếu tố quan trọng là tục thờ tháp vẫn còn tồn tại đến ngày nay chứng tỏ Bà La Môn vẫn tồn tại trong suốt quá trình lịch sử, dù rằng tục thờ tháp ngày nay khác với thời Ấn hóa. Tục thờ tháp trước thế kỷ 15 là thờ các vị thần Bà La Môn, sau biến cố năm 1471, tục thờ tháp thực chất là thờ các nhân vật có công với dân tộc hoặc các nhân vật huyền thoại như vua Po Romé, Po Klaong Garai, Po Ina Nagar... dưới hình tượng mang phong cách Ấn giáo qua Linga, tháp. Tháp có Linga - Yoni là hình tượng từ Bà La Môn vẫn tồn tại. Tục hỏa táng của Bà La Môn cũng tồn tại ở cộng đồng Ahiér đến ngày nay.

Cộng đồng Islam sơ khai ban đầu phải có mô hình tổ chức theo giáo sĩ Islam bên cạnh thầy cúng. Tuy nhiên cộng đồng Bàni ngày nay các giáo sĩ lại có tổ chức theo cơ cấu tu sĩ tương tự Bà La Môn vì vậy người ta giả định rằng phải có một cuộc cải cách tôn giáo, ở đây theo quan điểm của tôi thì đây chỉ là một sự cải tổ ở tầng lớp tăng lữ.

Akhar thrah xuất hiện sau thế kỷ 15 và nó xuất hiện trong kinh kệ của Bàni vì vậy sự cải tổ tôn giáo Bàni xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16 - 17. Có quan điểm cho rằng Po Romé, ở thế kỷ 17 đã cải cách dung hòa Islam và Bà La Môn để tạo ra Bàni (Awal). Quan điểm này thiếu dữ liệu để chứng minh và không có cơ sở khoa học.

Vì nền tảng của Bàni chỉ là Islam sơ khai nên cộng đồng này vẫn còn giữ lại một số tục từ Bà La Môn. Đó là tục thờ tháp vẫn còn tồn tại trong cộng đồng Bàni đến ngày nay. Cần phân biệt các yếu tố kế thừa và các yếu tố cải tổ. Cải tổ chỉ diễn ra ở tầng lớp tăng lữ trong khi sự kế thừa lại diễn ra ở tầng lớp bình dân. Sự kế thừa các yếu tố Bà La Môn cũng tương tự sự kế thừa tín ngưỡng bản địa.

IV- QUAN HỆ AWAL - AHIÉR

Awal và Ahiér là các từ có nguồn gốc Ả Rập, Awal có nghĩa là “sớm”, “Ahiér” có nghĩa là “muộn”. Awal là từ chỉ cộng đồng Bàni vì người Bàni là thành phần tiếp nhận Islam sớm ở Champa để phân biệt với cộng đồng Bà La Môn (Ahiér), bộ phận chịu ảnh hưởng Islam muộn hơn.

Khi người Chăm chịu ảnh hưởng Bà La Môn, họ vẫn giữ gìn tín ngưỡng bản địa. Đức tin nổi bật của Ahiér là yang.

Sau biến cố năm 1471, yếu tố tín ngưỡng mới được hình thành trong cộng đồng Bà La Môn bên cạnh yếu tố cũ của Bà La Môn và tín ngưỡng bản địa. Đó là sự xuất hiện một số yếu tố chịu ảnh hưởng từ Bàni. Minh chứng cụ thể là tu sĩ Bà La Môn cũng đeo hatai nabi, biểu tượng chỉ có ý nghĩa ở Bàni.

Sự hòa hợp giữa Awal và Ahiér thể hiện qua sự nhất trí giữa tầng lớp tu sĩ của hai bên đồng thời dựa vào các nghi lễ chung như tục thờ tháp, rija praong, các nghi lễ thờ yang... Cơ cấu tổ chức Awal - Ahiér là tương tự nhau, đó là thầy cúng và tu sĩ. Các yếu tố tương đồng này giúp cho hai cộng đồng tôn giáo này gắn kết vào nhau.

 

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Samri vs Satan

Samri là Caliph cho người Bani