SỰ BIẾN ĐỔI TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG NGƯỜI STIÊNG

SỰ BIẾN ĐỔI TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG NGƯỜI STIÊNG

Kiều Dung, 2013

[Tín ngưỡng bản địa Chăm cũng tương tự tín ngưỡng của các dân tộc bản địa Đông Dương. Stiêng là một trong những dân tộc bản địa ở Đông Dương. Để hiểu tín ngưỡng bản địa Chăm, chúng ta có thể tham khảo bài nghiên cứu về người Stiêng.]

Bản báo cáo này trình bày kết quả mà tôi đã nghiên cứu được tại chuyến điền dã ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước về người Stiêng theo chương trình thực tập của khoa nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 20 đến ngày 28 tháng 6 năm 2013.

I. TỔNG QUAN

Người Stiêng là một tộc người theo ngữ hệ Môn - Khmer cư trú ở Tây Nguyên và một số vùng lân cận Tây Nguyên, trong đó có xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Ngày 20 tháng 6, các cán bộ lãnh đạo xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, đại diện là ông Điểu Sơn, phó chủ tịch xã Lộc An, đã báo cáo tình hình về mọi mặt trong đời sống của người dân tại xã Lộc An.

Toàn xã Lộc An có 7400 nhân khẩu, ngoài người Kinh ra, xã gồm có hai dân tộc khác là Stiêng và Thái, trong đó người Stiêng là đông nhất. Người Thái chỉ sống duy nhất ở ấp 8, sống riêng biệt với người Stiêng theo dự án kinh tế mới. Người Stiêng cư trú ở 7 ấp trong xã Lộc An. Mỗi ấp người Stiêng đều có một nhà sàn riêng, tổng cộng xã có 7 nhà sàn tương ứng với 7 ấp. An ninh tương đối tốt.

Khí hậu có hai mùa: mùa nắng và mùa mưa. Đường xá đi lại khó khăn. Theo chương trình 135, nhà nước có làm đường nông thôn nhưng chủ yếu là đường sỏi. Nhân dân bỏ công, tự khắc phục các đường ven nhà mình, thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên xã Lộc An phấn đấu trở thành nông thôn mới khó. Kinh tế nông nghiệp là trồng cây công nghiệp, cây cao su, điều, tiêu. Toàn xã có 100 trang trại cao su trồng đa canh, gồm 2 thành phần là cao su lâm trường và cao su nhà nước. Tuy nhiên, chủ đồn điền cao su là người Stiêng thì chiếm tỉ lệ thấp. Nông dân làm cao su chiếm tỉ lệ nhỏ. Người dân đa số trồng lúa rẫy, phụ thuộc tình hình thời tiết. Xã Lộc An có khuynh hướng chuyển từ làm lúa rẫy sang làm lúa nước từ năm 2006. Toàn xã có 8% là hộ nghèo, đa số là người Stiêng. Đa số các hộ nghèo là do thiếu đất canh tác (dưới 5 sào), dân trí thấp, nhận thức phong tục tập quán thấp. Tỉ lệ người mù chữ là 10-15%, đa số là người Stiêng. Rừng ở xã Lộc An không còn, khu vực này giao cho bộ quốc phòng quản lý. Các binh đoàn 15, 16, 17 được triển khai dọc Tây Nguyên. Các khu rừng xung quanh còn lại đều nghèo kiệt do người dân chặt lấy hết cây to để trồng cao su.

II. VAI TRÒ CỦA GIÀ LÀNG

Già làng là người đàn ông lớn tuổi, từ 60 tuổi trở lên, giàu kinh nghiệm, có uy tín, được đồng bào tín nhiệm và thực hiện theo lời chỉ dẫn của mình. Già làng là thầy cúng có uy tín nhất, đóng vai trò là thủ lĩnh trong làng.

Trước đây, già làng được xem là người có uy tín nhất trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ngày nay, tiếng nói của già làng giảm đi nhưng già làng vẫn là người có tiếng nói trọng lượng đối với việc hỗ trợ ban điều hành, hỗ trợ ngôn ngữ để tuyên truyền với người Stiêng, giữ gìn phong tục và giải quyết một số xích mích trong nội bộ cộng đồng Stiêng. Theo Điểu Sơn, toàn xã Lộc An có 5 già làng nằm trong Hội đồng Già làng. Hội đồng Già làng bao gồm cả già làng và những người Stiêng có uy tín khác, nằm trong Hội người Cao tuổi, hội này bao gồm cả người Kinh. Già làng được chọn ra dựa trên các tiêu chí: 1- tuổi từ 60 trở lên; 2-tích cực tham gia hoạt động xã hội; 3- có uy tín, được dân lắng nghe, không nằm trong hộ nghèo.

Theo Điểu Rem ở ấp 54, già làng có vai trò cúng lễ, duy trì phong tục, nắm về các tục cúng bái. Già làng là người lớn tuổi nên nắm rất rõ các tập tục của đồng bào mình. Các nghi thức cúng bái cần phải được duy trì dưới hình thức truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác vì người Stiêng chưa có chữ viết phổ thông riêng. Các nghi thức về các cách thực hành cúng bái, tập tục của đồng bào chỉ duy trì bằng hình thức truyền miệng nên rất dễ bị chôn vùi nếu cộng đồng thiếu những người truyền dạy, trong số những người đó thì già làng là người đóng vai trò chính. Ngày nay, xã hội diễn ra xu hướng hội nhập, người Stiêng cũng hội nhập theo xu hướng này. Trong quá trình này giới trẻ đã phải tiếp nhận rất nhiều luồng văn hóa để thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Nhiều người trong số họ đã bỏ lại các phong tục tốt đẹp của mình. Trong hoàn cảnh này, già làng chính là người rõ nhất về phong tục của cộng đồng mình vì các cụ đã chứng kiến, tham gia cúng bái nhiều nghi lễ.

Trong đám cưới, mỗi bên trai gái sẽ tìm cho mình một già làng hoặc người có uy tín khác để đại diện cho mình. Già làng đóng vai trò mai mối trong lúc này và đặc biệt trong việc cúng lễ của đám cưới đều phải có già làng thực hiện. Người có uy tín thì có thể thay thế cho già làng nhưng già làng vẫn là đối tượng được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Già làng đã đóng vai trò gắn kết hôn nhân trong cộng đồng người Stiêng.

Cũng theo ông Điểu Rem, việc đánh cồng chiêng cũng cần phải có người thông thạo truyền dạy để đánh những nhạc điệu âm vang, những âm điệu hay thì già làng là một trong số người biết rất thông thạo. Muốn đánh cồng chiêng thì cũng cần phải có động tác thích hợp, đánh cho phát ra tiếng kêu thì ai cũng đánh được nhưng đánh cồng chiêng để tạo ra âm vang cho các lễ hội, các hội diễn văn nghệ thì đòi hỏi người đánh cồng chiêng cũng cần phải có một số hiểu biết nhất định về tiết tấu, âm điệu của cồng chiêng.

Già làng cũng tham gia giải quyết một số xích mích theo yêu cầu của một số gia đình và theo yêu cầu của trưởng ấp. Các gia đình xảy ra mâu thuẫn thì đến mời già làng hoặc trưởng ấp mời già làng đến giải quyết hộ. Bà Thị Hương ở ấp 1 cho biết già làng giải quyết xích mích, gây gỗ trong ấp, khuyên hai bên hòa thuận, sống vui vẻ, nhà cửa yên ổn. Nếu hai vợ chồng cãi nhau, muốn bỏ nhau thì già làng khuyên họ sống hòa thuận, hai vợ chồng nhường nhịn nhau, vợ tôn trọng chồng, chồng tôn trọng vợ, vợ chồng bình đẳng. Các gia đình sẽ nghe theo sự giải quyết của già làng, nếu không nghe thì họ đưa ra pháp luật giải quyết. Già làng không giải quyết các trường hợp đánh nhau, gây thương tích nặng, không giải quyết nạn trộm cắp.

Cũng theo bà Thị Hương, không có trường hợp nào mà trí thức giải quyết mâu thuẫn thay thế già làng. Trí thức có trình độ đại học thường là những người trẻ tuổi nên không thể giải quyết mâu thuẫn giữa các gia đình trong ấp; bằng tuổi nhau thì người ta nói "mày cũng như tao, tao cũng như mày". Vì thế trí thức không thể thay thế được vai trò của già làng. Bà Thị Hương cũng có một đứa em ruột tốt nghiệp đại học nhưng không hề thực hiện được các công việc của già làng.

Trong việc quản lý hành chính, an ninh, trưởng ấp là người đảm nhiệm nhưng về phía đồng bào Stiêng thì già làng có tiếng nói trọng lượng hơn, theo Điểu Rem. Theo Điểu Sơn ở ấp 1, phó chủ tịch xã Lộc An cho biết già làng hỗ trợ chính trong việc tranh chấp. Các già làng không theo đạo Tin Lành. Tiếng nói của già làng có trọng lượng trong việc hòa giải. Tuy nhiên không có già làng nào làm trưởng ấp vì tuổi cao. Trưởng ấp 7, Nguyễn Thanh Thơm cho biết già làng hỗ trợ ban điều hành, hỗ trợ ngôn ngữ để giao tiếp với người Stiêng. Nhiều người Stiêng cao tuổi thường không biết tiếng Việt, vậy già làng sẽ sử dụng tiếng mẹ đẻ để tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người Stiêng.

Nhìn chung trưởng ấp chỉ là người đóng vai trò giữ gìn trật tự, nắm quyền lực thực hiện theo pháp lệnh. Trong khi đó, già làng lại là người đóng vai trò chính trong việc quản lý phong tục, bản sắc văn hóa của người Stiêng. Trưởng ấp thường là người Kinh nên không am hiểu nhiều về tập tục của người Stiêng, già làng là người tư vấn trong việc quản lý phong tục. Người Stiêng nghe già làng nhiều hơn trưởng ấp nên già làng là người có tiếng nói rất trọng lượng trong việc tuyên truyền phổ biến chính sách của nhà nước.

Hiện nay, già làng vẫn chưa có trợ cấp thỏa đáng nào, không có lương bổng. Các già làng chỉ làm việc trên tinh thần cộng đồng. Già làng Điểu Gium cho biết, hằng năm nhà nước có thăm già làng, cho quà, gạo, đường. Mỗi năm nhà nước cho 300 ngàn đồng hoặc 10 kg gạo. Ngoài ra già làng không có lương bổng nào khác. Theo bà Thị Hương, trong quá trình tham gia hòa giải, sau khi hòa giải những xích mích trong cộng đồng xong, già làng cũng chỉ được chiêu đãi bằng bữa tiệc thịt heo, gà.

Theo Điểu Sơn, Hội đồng Già làng hoạt động yếu, "thích thì làm, không thích thì thôi". Già làng có ý kiến giải quyết mâu thuẫn nhưng không thể bắt buộc già làng phải làm. Già làng được đảng và nhà nước có quan tâm ít nhiều. Tuy nhiên, già làng không đảm nhiệm nổi việc giáo dục thế hệ trẻ. Kiến thức của già làng không đáp ứng được yêu cầu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Trước đây, tiếng nói của già làng có trọng lượng hơn bây giờ do lối sống của ngày xưa theo tập tục nên họ vâng lời già làng. Khi sống đan xen với người Kinh, do nhu cầu trao đổi văn hóa theo chiều hướng của thời đại, tiếng nói của già làng giảm dần. Trình độ già làng không nắm bắt được chủ trương; công tác tuyên truyền không được. Sự lắng nghe của thanh thiếu niên với già làng một cách nhàm chán và giảm dần. Già làng chỉ biết đọc biết viết vài từ, thường là chỉ biết ghi tên.

Theo nhu cầu của thời đại, trẻ em người Stiêng dù gặp nhiều khó khăn nhưng ít nhiều các em cũng có cơ hội được đến trường học nên cũng biết chữ và nói tiếng Việt thành thạo, trong khi già làng lại thường không biết chữ; chính vì thế giới trẻ có thái độ không nghe theo già làng. Vấn đề này một mặt nó xuất phát từ sự tự lực tự cường của thanh thiếu niên trong quá trình hội nhập, họ học hỏi được các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, giúp họ tiếp cận với tri thức của thời đại; một mặt nó đã thể hiện nguy cơ vắng người kế tục để gìn giữ bản sắc dân tộc cho người Stiêng và xáo trộn tổ chức cộng đồng một khi họ bất tuân già làng mà chưa tìm ra được tầng lớp có vai trò thay thế .

III. THÂN TỘC, HÔN NHÂN

Người Stiêng cùng với các dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên và ở những vùng lân cận Tây Nguyên đều theo chế độ mẫu hệ trong suốt quá trình lịch sử. Mô hình tổ chức thân tộc của họ cũng thể hiện rõ hình thức mẫu cư, cư trú bên dòng họ mẹ. Điểu Đơ, ấp 7, cho biết, trước đây mỗi dòng họ ở riêng, cư trú theo bên họ mẹ. Người ta chôn cất theo thế hệ thân cận nhất, thường là về bên mẹ, để chôn cận kề nhau. Hiện nay, người Stiêng chôn cất người chết trên nghĩa địa và không còn phân chia khu vực, chôn cất xen lẫn nhau trong nghĩa địa.

Điểu Đơ thấy dòng họ bên mẹ thân hơn dòng họ bên cha. Dòng họ bên cha thì chỉ thân thích trong vòng 3 đời cận nhau. Tuy nhiên, ngày nay, ý thức dòng họ của người Stiêng không còn rõ ràng như trước đây nữa. Nó chỉ thể hiện qua việc cấm "loạn luân", cấm kết hôn giữa những người cùng dòng họ với mẹ, đây là dấu hiệu cơ bản nhất để nhận biết quan hệ dòng họ của mỗi thành viên người Stiêng. Theo Điểu Đơ, những người cùng họ mẹ nếu lấy nhau thì bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Như vậy việc xác định quan hệ dòng tộc của mỗi người với mục đích quan trọng nhất là để cấm "loạn luân".

Ngoài ra còn có một dấu hiệu thứ hai, đó là việc kiêng kỵ những thứ không được ăn. Đây là hình thức tín ngưỡng vật tổ (tôtem giáo). Theo Điểu Đơ, mỗi dòng họ của người Stiêng có những kiêng kỵ riêng. Để xác định một dòng họ nào đó, người ta hỏi đến những kiêng kỵ của người đó, rồi từ các kiêng kỵ, người ta xác định được dòng họ. Dòng học của Điểu Đơ thì kiêng rắn, trăn, cá sấu, chuối rừng. Nếu có người hỏi dòng họ của Điểu Đơ thì Điểu Đơ sẽ nói dòng họ bên mẹ.

Việc nhận biết quan hệ dòng tộc qua việc kiêng kỵ là không rõ ràng lắm. Theo bà Thị Hương, người ta có thể kiêng ăn hoặc có thể ăn tùy theo niềm tin của mỗi người trong tâm linh về tác hại khi ăn những vật kiêng kỵ. Trong gia đình mỗi khi bố kiêng ăn vật gì thì mẹ cũng kiêng theo, mẹ kiêng ăn vật gì thì bố cũng kiêng theo; trong khi đó con lại kiêng theo cả bố lẫn mẹ khi còn nhỏ và lớn lên thì lại chỉ ý thức kiêng theo dòng họ mẹ. Mỗi dòng họ thì lại kiêng nhiều vật, các vật kiêng này nhiều khi lại trùng nhau giữa các dòng họ. Việc xác định quan hệ dòng họ qua kiêng kỵ là rất khó khăn.

Ý thức về quan hệ dòng tộc cũng thể hiện trên tên gọi của mỗi dòng tộc. Tuy nhiên, nhiều người Stiêng hiện nay không biết dòng họ của mình mang tên gì. Nhiều người được phỏng vấn không biết đến tên của dòng họ mình. Tên dòng tộc không dùng để đặt tên, chỉ dùng để gọi dòng tộc.

Ý thức dòng tộc của người Stiêng trở nên phai mờ. Việc phai mờ của ý thức dòng tộc cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân về mối quan hệ xã hội trong hoạt động kinh tế hiện nay. Trước đây, người ta cư trú theo dòng tộc để hỗ trợ nhau trong hoạt động canh tác sản xuất nông nghiệp. Hiện nay do vấn đề đất đai, các gia đình trong cùng dòng tộc không thể sống quanh quẩn bên nhau. Lối sống theo dòng tộc giữa các gia đình đã được thay thế bởi lối sống gia đình hạt nhân.

Sự biến đổi về ý thức dòng tộc dẫn đến sự biến đổi về chế độ mẫu hệ truyền thống của người Stiêng. Một biểu hiện của sự biến đổi thể hiện rõ nét nhất là hiện tượng con trai có quyền cưới vợ về cư trú ở nhà, và đám cưới được tổ chức ở cả nhà trai, lẫn nhà gái.

Điểu Đơ cũng cho biết các dòng họ người Stiêng không có sự phân chia đẳng cấp cao thấp. Trước đây cũng vậy, những dòng họ có già làng thì người ta chỉ tôn trọng già làng thôi chứ không tôn trọng cả dòng họ của già làng.

Về hôn nhân người Stiêng, già làng Điểu Gium cho rằng "mình theo [họ hàng] vợ nhưng mình vẫn làm chủ, đàn ông làm chính, đàn bà làm phụ", "công việc nặng thì đàn ông làm, công việc nhẹ thì phụ nữ làm". Trước đây, trai lấy vợ thì luôn ở nhà vợ; ngày nay, tùy điều kiện của mỗi bên, cặp vợ chồng có thể cư trú ở bất kỳ nơi nào. Ông cũng cho biết người Stiêng theo Tin Lành cũng ở chung với người không theo đạo. Trong đám cưới thì mỗi bên trai gái sẽ tìm một người Tin Lành lớn tuổi có uy tín làm đại diện cho mình. Mai mối cho hôn nhân thì phải là người cùng theo đạo. Ông Điểu Rem cũng cho biết đám cưới Tin Lành thường có sự đại diện của trưởng nhóm cho mỗi bên trai gái. Trong tổ chức thân tộc, thì con trai vẫn thường ở nhà con gái, không có gì khác nhau giữa những người theo đạo và không theo đạo.

Điểu Đơ cũng cho rằng, tại ấp 7, theo truyền thống thì “trai cưới vợ [cưới là đưa sính lễ - theo cách hiểu về từ này của anh] nhưng trai lại cư trú bên nhà vợ vì theo chế độ mẫu hệ”. Ngày nay ấp 7 có trường hợp trai cưới vợ về ở nhà trai nhưng điều này chỉ mới xuất hiện 10 năm trở lại đây. Trong lễ cưới, nhà trai đưa sính lễ cho nhà gái nhưng lại cư trú bên nhà gái cho đến khi cặp vợ chồng muốn ở riêng. Trước đây, đám cưới luôn được tổ chức tại nhà gái, còn hiện nay, nó được tổ chức ở nhà nào cũng được tùy vào điều kiện mỗi bên. Về việc cư trú sau hôn nhân thì cặp vợ chồng cũng có thể cư trú bên nhà chồng, tùy điều kiện kinh tế ở mỗi bên. Nhìn chung ở ấp 7, trường hợp trai cưới gái nhưng ở nhà gái thì nhiều hơn trường hợp trai cưới gái về nhà trai.

Ngày 26 tháng 06, cô Thị Diễm thuộc hộ ông Điểu Bước, ấp 54, Lộc An đã cho biết nhà hai chị em cô đều lấy chồng rồi về cư trú tại nhà bố mẹ, bên cạnh đó, một người anh của cô là Điểu Khiêm cũng lấy vợ rồi đưa vợ về sống tại nhà bố mẹ cô. Đây là trường hợp điển hình cho việc con trai lấy vợ về cư trú tại nhà bố mẹ. Hộ gia đình này khá giàu có, ngôi nhà sang trọng nên các con trai hay con gái đều lấy chồng, lấy vợ về cư trú tại nhà bố mẹ. Trường hợp các con trai lấy vợ về cư trú tại nhà bố mẹ của mình chỉ xảy ra khi nhà đó khá giả, có điều kiện kinh tế hơn nhà bên con gái.

IV. TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG THEO TIN LÀNH

Sự biến đổi rõ ràng nhất trong tổ chức cộng đồng của người Stiêng theo Tin Lành là vai trò nổi trội của các trưởng nhóm Tin Lành. Vai trò của già làng trở nên mờ nhạt. Già làng không phải là người theo đạo nên tiếng nói của họ ít có tác động tới người Stiêng theo Tin Lành. Trưởng nhóm Tin Lành là người có tiếng nói trọng lượng nhất đối với người Stiêng theo Tin Lành. Theo Điểu Sơn, già làng có tiếng nói giảm đi được thay thế bởi trưởng nhóm Tin Lành. Trưởng nhóm Tin Lành có tiếng nói trọng lượng hơn đối với người Stiêng theo Tin Lành.

Theo Điểu Sơn, ấp 1, phó chủ tịch xã Lộc An, cho biết toàn xã có 27 trưởng nhóm Tin Lành. Các trưởng nhóm tổ chức cho tín đồ cầu nguyện tại nhà. Công giáo thì đi cầu nguyện tại nhà thờ Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Nhà nước chỉ cho phép Tin Lành hoạt động cá nhân.

Điểu Đơ cũng cho biết, Tin Lành xuất hiện tại ấp 7 từ năm 1997 nhưng chỉ hoạt động bí mật, chưa được sự cho phép của nhà nước trong thời gian đầu mới du nhập vì nhà nước sợ các thế lực thù địch lợi dụng. Người Stiêng theo Tin Lành thì cầu nguyện vào chủ nhật hàng tuần. Vào dịp Noel thì họ có tổ chức lễ, ngoài ra không còn lễ nào khác.

Ngày 25 tháng 06, tôi đến ấp 54; theo lời của bà Thị Bếp, một người Stiêng theo Tin Lành cho biết, ấp 54 có một căn nhà đang được xây lên để dành cho tín đồ Tin Lành cầu nguyện. Bà Thị Bếp có chỉ cho tôi biết căn nhà này. Ngôi nhà này cũng đã sắp hoàn thành; về kiến trúc, nó không có gì đặc sắc. Ngôi nhà này không lớn, chỉ bằng một ngôi nhà cư trú của một hộ người dân khá giả tại ấp này.

Tin Lành là tôn giáo phát triển nhanh chóng đối với các tộc người ở Tây Nguyên và vùng lân cận Tây Nguyên. Tin Lành cũng đang phát triển nhanh trong xã hội người Stiêng. Điểu Sơn cũng cho rằng số lượng người Stiêng theo Tin Lành đang tăng lên.

Việc tiếp thu các giáo lý Tin Lành cũng có tác động giúp người Stiêng rèn luyện cho mình những đức tính tốt đẹp góp phần đưa cộng đồng phát triển nhưng bên cạnh đó, xã hội người Stiêng cũng xảy ra những mâu thuẫn bộc phát từ những cá nhân có thái độ phân biệt đối xử. Theo Điểu Sơn, người theo Tin Lành tốt ở chỗ không uống rượu, bia, chỉ uống nước ngọt. Một số người có sự phân biệt, so sánh sự khác biệt gây nên mâu thuẫn trong xã hội.

Bất kì một tín đồ tôn giáo độc thần nào đều không được thờ cúng thần linh khác ngoài Đấng tối cao nhưng người Stiêng theo Công giáo vẫn cúng bái ông bà, cúng thần linh khác. Theo ông Điểu Rem, người Stiêng theo Công giáo vẫn uống rượu và cúng bái.

V. CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Trưởng ấp là người điều hành các hoạt động hành chính tại các ấp. Theo Điểu Rem, trưởng ấp là người Kinh, không phải là già làng vì già làng thường không biết chữ. Tuy nhiên trưởng ấp cũng chỉ có trình độ 12, không có một người có trình độ đại học, cao đẳng nào làm việc tại các ấp.

Điểu Sơn cho biết trong cơ quan hành chính xã, người Stiêng có 5 người là người có uy tín tham gia cơ quan hành chính. Trong xã cũng có 30 người Stiêng tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và 40 sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng nhưng những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều không làm tại ấp hay xã vì mức lương thấp, họ chỉ làm ở cấp huyện. Hằng năm cơ quan hành chính huyện có mời các sinh viên đến sinh hoạt và có tặng quà.

Xã có tổ chức Ngày Đại Đoàn kết để đoàn kết người Stiêng. Ngày Đại Đoàn kết không phải lễ hội truyền thống nhưng nó cũng có phần cúng lễ trong ngày này. Ông Điểu Rem cho biết ngày Đại Đoàn kết diễn ra trong tháng 11, thường là vào ngày 20. Trong ngày này, mọi thành phần xã hội đều tham gia đông đảo. Những người theo Tin Lành, Công giáo mặc dù không cúng lễ mừng lúa mới hay cúng bà bóng... nhưng cũng tham gia ngày Đại Đoàn kết về phần hội, còn phần cúng lễ thì được miễn. Ngày Đại Đoàn kết gồm hai phần: lễ và hội. Trong phần lễ, người ta thực hiện cúng 1 con gà, 1 lít rượu. Về phần hội, người ta đánh cồng chiêng, văn nghệ, thi đấu thể thao.

Điểu S Rốt cho biết khi mới giải phóng năm 1975, nhiều cán bộ chính quyền đến vận động người dân họp theo định kỳ 1- 2 lần / tháng. Già làng cùng với trưởng ấp tiến hành vận động mọi người họp chung. Hiện nay già làng cùng với trưởng ấp cũng tiến hành vận động mọi người họp chung nhưng chỉ thực hiện trong ngày Đại Đoàn kết tại nhà sàn văn hóa của làng. Đại hội này được thực hiện vào cuối năm âm lịch, tức là tiến hành trước tết vài ngày, tương ứng với các tháng 1 - 2 dương lịch. Qua đó trưởng ấp sẽ tổng kết, đánh giá tình hình sản xuất, tình hình văn hóa giáo dục của làng với cấp trên. Ông Điểu Rem cũng cho biết, trước đây, khi mới giải phóng, ấp 54 thường xuyên họp dân, có khi 2-3 lần /tháng, chỉ cần gõ kẻng thôi dân làng đã đến họp đông đảo. Hiện nay thỉnh thoảng, lâu lâu có chuyện đột xuất thì trưởng ấp mới tiến hành họp dân, có khi có năm không phải họp một lần nào.

Nhà sàn là nơi tụ họp của người dân Stiêng, là nơi sinh hoạt trong ngày Đại Đoàn kết. Điểu S Rốt cho biết nhà sàn văn hóa của ấp 1 được bố trí cái loa phát thanh để thông tin cho bà con, do ấp trưởng phụ trách. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, có thể là do loa bị hư, ông không còn thấy có thông tin nào được phát qua loa nữa. Điểu Rem thì cho biết trong nhà sàn văn hóa cộng đồng của ấp 54, ấp trưởng có bố trí một cái loa phát thanh để thông tin cho người dân do trưởng ấp phụ trách. Trưởng ấp thường xuyên tiếp sóng đài tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh Bình Phước để phát thường xuyên vào buổi sáng hằng ngày vào lúc 5h - 6h30. Chương trình phát thanh này thường đề cập đến thời sự, chương trình khuyến nông, kể cả các lời mời hội họp. Ấp 54 có điện từ năm 1997. Điểu Đơ cho biết nhà sàn văn hóa ấp 7 chưa có loa phát thanh vì ấp 7 mới chỉ có điện trong năm 2004.

VI. TÁC ĐỘNG CỦA CÁC NHÂN TỐ CỐ KẾT CỘNG ĐỒNG ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG

Các yếu tố cố kết cộng đồng cũng góp phần đáng kể vào quá trình tổ chức cộng động để giúp cho cộng đồng phát triển. Trong giới hạn đề tài này, tôi xét thêm yếu tố lễ hội và ngôn ngữ về trai trò của nó trong sự cố kết cộng đồng, tác động tới việc tổ chức cộng đồng. Lễ hội và ngôn ngữ tộc người, bản thân nó không phải là một hình thức tổ chức cộng đồng nhưng nó có tác động đến việc tổ chức cộng đồng vì nó tạo ra sự cố kết.

1. Lễ hội

Người Stiêng có các nghi lễ như tục đâm trâu, lễ cúng bà bóng, lễ mừng lúa mới, lễ cúng lúa.

Theo ông Điểu Rem, tục đâm trâu diễn ra vào ngày mà già đình muốn từ khấn, thường là vào mùa khô (các tháng 11, 12, 1, 2). Tục này có đánh trống, chiêng, trống múa, ca hát chỉ do một nhà tổ chức có cúng một con trâu, một con heo. Con trâu sẽ được đâm để tế lễ. Tục này cũng có sự hảo tâm về tiền để ủng hộ người nhà tổ chức. Từ năm 1989 - 1990 tục đâm trâu không còn tồn tại để thực hiện theo chủ trương của nhà nước trong việc xóa bỏ “mê tín dị đoan”.

Cũng theo ông Điểu Rem, lễ mừng lúa mới hiện nay bị hạn chế do chuyển đổi cây trồng. Lễ này được các gia đình thực hiện vào ngày từ khấn. Trước đây lễ được tổ chức trên quy mô cộng đồng. Từ năm 2000, lễ mừng lúa mới không còn được tổ chức với quy mô cộng đồng nhưng vẫn duy trì ở quy mô gia đình, do họ tự thực hiện. Một số hộ gia đình thực hành trên quy mô này cho tới ngày nay. Lễ mừng lúa mới được thực hiện vào tháng 9 hằng năm. Già làng Điểu Gium cho biết lễ cúng lúa hiện nay cũng được thực hiện khi các gia đình thu hoạch được lúa. Cúng lúa là để tỏ lòng biết ơn tới trời, được thần linh phù hộ.

Lễ cúng bà bóng là nghi thức cúng tế khi người nhà có người bị bệnh để cầu mong thần linh ban cho sức khỏe. Đây là một loại ma thuật dùng để “chữa bệnh”. Điểu Sơn cho biết trước đây lễ cúng tế này là một hiện tượng “mê tín dị đoan” vì chữa bệnh theo kiểu cúng tế. Ngày nay người ta chỉ đến bệnh viện để điều trị, uống thuốc chữa trị chứ không thực hiện lễ cúng bà bóng để chữa bệnh. Điểu Rem cũng cho biết lễ cúng bà bóng trước đây là “mê tín dị đoan”, ngày nay người ta chỉ uống thuốc điều trị, bệnh nặng lắm, chữa không khỏi thì mới mời thầy cúng.

Trước đây, nhiều nghi lễ cúng tế tồn tại đã tạo địa vị cho các thầy cúng. Các tầng lớp phụ trách cúng tế này có tiếng nói nhất định đối với cộng đồng. Các thầy cúng này ít nhiều cũng có quyền lực nhất định. Không phải các lễ cúng nào cũng đều là thuần phong mỹ tục, một số lễ tục đã bị mất đi. Sự mất đi của lễ tục đâm trâu, sự giảm thiểu của lễ cúng bà bóng trong các gia đình người Stiêng hiện nay đã làm giảm đáng kể địa vị của những người thực hiện cúng tế. Đây là yếu tố căn bản trong sự chuyển biến tổ chức cộng đồng của người Stiêng. Vai trò của những người cúng tế được thay thể bởi vai trò điều hành của các cơ quan hành chính, duy chỉ vai trò của già làng còn được duy trì nhưng không còn trọng lượng như trước.

Như vậy hiện nay, người Stiêng ở Lộc An còn duy trì các lễ nghi như lễ mừng lúa mới và lễ cúng lúa là những nhân tố tạo sự cố kết cộng đồng, giúp tổ chức cộng đồng hiệu quả nhưng nó chỉ do các gia đình tự thực hiện. Lễ cúng bà bóng hiện nay được giảm thiểu, nó chỉ được thực hiện riêng rẽ vào thời điểm mà người Stiêng có người bị bệnh khó chữa, đặc biệt là nó chỉ thực hiện ở một số ít gia đình.

2. Ngôn ngữ

Ông Điểu S Rốt cho biết, cho đến trước khi Tin Lành được truyền đến thì người Stiêng vẫn chưa có chữ viết. Hiện nay một số giáo sĩ đã sử dụng chữ La-tinh để ghi âm tiếng Stiêng rồi cải biến thành chữ viết cho người Stiêng. Tuy nhiên, chữ đó chỉ được một số người theo Tin Lành mới biết sử dụng. Họ là những trưởng nhóm Tin Lành.

Ông Điểu S Rốt cho biết người Stiêng nói tiếng Stiêng có pha lẫn tiếng Việt. Theo đó những từ tiếng Việt sẽ được lược bỏ dấu thanh. Ví du: "bánh mì" trở thành "banh mi". Một số thanh niên không thích nói tiếng mẹ đẻ mặc dù họ đang giao tiếp giữa những người Stiêng với nhau.

Quá trình hội nhập của người Stiêng đã đưa đến những mặt tích cực và có cả mặt tiêu cực là thách thức đối với họ. Một khi giới trẻ phải học những kiến thức phổ thông từ nhà trường, phải tiếp thu những thành tựu khoa học - kĩ thuật bằng ngôn ngữ khác thì buộc họ phải làm quen, phải thành thạo ngôn ngữ đó. Yêu cầu này khiến họ cảm thấy khó khăn trong việc giữ gìn tiếng nói của mình, cũng không loại trừ thái độ không trân trọng tiếng mẹ đẻ của một số người Stiêng.

Tiếng Stiêng hiện nay cũng đã chia tách thành các nhóm địa phương. Tiếng nói của một tộc người được hình thành trong quá trình lịch sử của tộc người đó. Một khi tộc người có sự di cư, phân tách để sống những nơi khác nhau thì ngôn ngữ tộc người này cũng bị chia tách thành các nhóm địa phương theo những khu vực cư trú. Theo ông Điểu S Rốt, người Stiêng ở tỉnh Bình Phước không nói chuyện được với người Stiêng ở Tây Nguyên.

TỔNG KẾT

Sự biến đổi về tổ chức cộng đồng người Stiêng thể hiện qua sự thay đổi mô hình tổ chức xã hội truyền thống. Vai trò của già làng chỉ còn thể hiện trong việc truyền nối, giữ gìn phong tục văn hóa và hỗ trợ các cơ quan hành chính trong việc giữ gìn trật tự. Già làng không có vai trò trực tiếp quản lý, điều hành xã hội nhưng vẫn là người có tiếng nói có trọng lượng hơn trưởng ấp về phía người Stiêng. Đối với người Stiêng theo Tin Lành thì trưởng nhóm Tin Lành là người có tiếng nói quyết định, thay thế vai trò của già làng. Trưởng ấp thường là người Kinh, trực tiếp nắm quyền quản lý, điều hành xã hội nhưng chủ yếu chỉ thực hiện trên mặt hành chính.

Thân tộc, hôn nhân người Stiêng cũng có sự thay đổi, trước hết là sự mất đi về hình thức quần cư của các gia đình trong cùng một dòng họ bên mẹ của chế độ mẫu hệ truyền thống. Trai có quyền cưới vợ về nhà bố mẹ, đám cưới có thể được tổ chức ở cả bên trai hay gái là tùy theo điều kiện kinh tế mỗi bên. Người Stiêng vẫn duy trì ý thức dòng tộc mẫu hệ thông qua việc cấm kết hôn giữa những người cùng dòng hệ bên mẹ, việc kiêng kỵ và dòng tộc của con cái được xác nhận theo dòng họ bên mẹ. Tuy nhiên, ý thức dòng tộc mẫu hệ cũng không khuôn mẫu như trước; người ta chú trọng quan hệ huyết thống của những thế hệ thân cận nhau trong vòng 3 đời ở cả bên bố lẫn bên mẹ.

Một số lễ tục đã biến mất như tục đâm trâu, còn lễ cúng bà bóng thì được giảm thiểu. Các nghi lễ nông nghiệp như lễ mừng lúa mới, lễ cúng lúa vẫn còn duy trì nhưng được thực hiện nhỏ lẻ do quá trình chuyển đổi cây trồng, chú trọng trồng các loại cây công nghiệp. Việc mất đi và giảm thiểu các nghi lễ, nghi thức cúng bái đã làm giảm địa vị của những người thực hiện cúng tế, từ đó thầy cúng không còn tiếng nói trong cộng đồng nữa, ngoại trừ vai trò của già làng còn được duy trì nhưng không còn trọng lượng như trước.

Ngôn ngữ Stiêng hiện nay cũng đã có dấu hiệu mai một. Ngôn ngữ có vai trò cố kết cộng đồng, tác động đến việc tổ chức cộng đồng. Ngôn ngữ Stiêng mai một cũng do quá trình hội nhập với người Kinh ở miền xuôi. Quá trình hội nhập là xu thế tất yếu trong sự phát triển với điều kiện hiện nay. Giới trẻ người Stiêng phải làm quen với tiếng Việt để tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật theo ngôn ngữ phổ thông. Yêu cầu này nhiều khi khiến họ quay lưng với ngôn ngữ của mình. Trong quá trình lịch sử tộc người, ngôn ngữ Stiêng cũng đã bị chia tách thành các nhóm địa phương mà điển hình là vấn đề người Stiêng ở Bình Phước không giao tiếp được với người Stiêng ở Tây Nguyên. Việc chia tách thành các nhóm địa phương về ngôn ngữ này gây khó khăn trong quá trình liên lạc, quan hệ nội bộ giữa người Stiêng với nhau.

 

 

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Samri vs Satan

Samri là Caliph cho người Bani